Dù đưa ra dự báo khá sớm về việc hình thành cơn bão số 3, tuy nhiên, "kỳ nhân đuổi mưa" Lương Ngọc Huỳnh đã đưa ra nhiều thông tin lệch so với thực tế.
"Dự" sai hướng bão đi?
Trên trang facebook cá nhân của mình, vào lúc 21 giờ 37 phút ngày 12/9, "kỳ nhân đuổi mưa" Lương Ngọc Huỳnh đã đưa ra dự báo về một cơn bão và cho biết, cơn bão này sẽ đổ bộ vào miền Nam.
"Chúng ta chuẩn bị chống bão vì bão sẽ vào miền Nam và tôi cùng các bạn chống nhé!", ông Huỳnh viết trên facebook của mình.
Tiếp đến, lúc 8 giờ 20 phút sáng 14/9, ông Huỳnh tiếp tục đưa ra thông báo về tình hình cơn bão số 3 đã hình thành trên Biển Đông.
Cụ thể, ông Huỳnh đã viết: "Bão số 3 hình thành trên Biển Đông như tôi đã thông báo ngày 12/9. Đây là cơn bão nhỏ, nhưng gây mưa lớn và sấm chớp tại khu vực Tây Bắc Trường Sa.
Bão sẽ dịch chuyển xuống phía Nam và tan dần. Đây là cơn bão không nguy hiểm và sẽ chỉ làm mát cho các tỉnh phía Nam. Chúng ta không phải tốn tiền chống bão. Đến 12 giờ ngày 15 bão sẽ tan".
Cùng với đó, ông Huỳnh cũng đưa ra một đồ hình nhằm minh họa cho phương pháp mà ông sử dụng để "chống" cơn bão số 3 này.
Phần dự báo và đồ hình minh họa về cách làm được đăng tải trên trang cá nhân của "kỳ nhân đuổi mưa" Lương Ngọc Huỳnh.
Thông tin này sau đó đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của các thành viên trên chính trang cá nhân của ông Lương Ngọc Huỳnh.
Tuy nhiên, sau khi theo dõi lại các bản tin dự báo bão của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và diễn tiến thực tế cơn bão số 3 vừa qua thì phần dự báo về cơn bão của "kỳ nhân đuổi mưa" Lương Ngọc Huỳnh đã có phần sai lệch.
Theo đó, từ 2 giờ sáng 14/9, áp thấp nhiệt đới với gió mạnh cấp 7 đã mạnh lên thành bão số 3 (bão Vàm Cỏ).
Đây là cơn bão có gió mạnh cấp 8, gió giật cấp 9, cấp 10.
Về hướng di chuyển của cơ bão, trong phần dự báo của ông Huỳnh cho hay: "Bão sẽ dịch chuyển xuống phía Nam và tan dần, đây là cơn bão không nguy hiểm và sẽ chỉ làm mát cho các tỉnh phía Nam".
Đồng thời, ông Huỳnh cũng đưa ra dự đoán: "Đến 12 giờ ngày 15 bão sẽ tan".
Nhưng trên thực tế, theo thông tin của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương và các ảnh chụp vệ tinh, cũng như diễn biến của cơn bão cho đến khi tan thì hướng đi chính của bão số 3 là theo hướng Tây, chứ không phải hướng Nam.
Vào sáng 14/9, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương đã đưa ra nhận định, tối và đêm hôm đó, bão Vàm Cỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, trọng tâm là Quảng Nam.
Vùng gió mạnh cấp 7 trở lên từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi.
Hướng di chuyển của cơn bão số 3. Ảnh: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương
Trong tối 14/9, bão số 3 quét qua đảo Lý Sơn với gió cấp 8, giật cấp 10. Đến 20 giờ, tâm bão số 3 đã đi vào đất liền tỉnh Quảng Nam và một phần Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, 10. Sóng biển cao 3-5m.
Đến 21 giờ cùng ngày, bão đã tan thành áp thấp nhiệt đới trên địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 8-9.
Sau khi suy yếu, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Đến sáng 15/9, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km, suy yếu và tan.
Đến 09 giờ ngày 15/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).
Hình ảnh cơn bão số 3 suy yếu sau khi đổ bộ vào Việt Nam. Ảnh: TT DBKTTV TƯ
Gây khá nhiều thiệt hại cho các địa phương
Trong phần đưa ra dự báo của mình, ông Huỳnh cho rằng: "Đây là cơn bão không nguy hiểm và sẽ chỉ làm mát cho các tỉnh phía Nam. Chúng ta không phải tốn tiền chống bão".
Còn theo nhận định của lãnh đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương vào sáng 14/9 thì đây là cơn bão có gió mạnh cấp 8, gió giật cấp 9, cấp 10, không phải là cơn bão quá mạnh, nhưng hình thành sát bờ nên thời gian triển khai phòng chống không nhiều.
Thực tế, dù không quá mạnh và chưa gây thiệt hại về người nhưng bão số 3 đã gây ra nhiều thiệt hại về vật chất cho các tỉnh miền Trung.
Theo thống kê sơ bộ, bão đã làm sạt lở hàng trăm mét bờ kè Cửa Đại (TP. Hội An, Quảng Nam), làm chìm một số tàu cá của ngư dân Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Chưa kể, nhiều diện tích nông sản, nuôi trồng thủy sản của nông, ngư dân cũng bị ảnh hưởng của bão làm thiệt hại lớn.
Bão cũng làm đổ ngã khoảng 500 cây xanh trên các tuyến đường Đà Nẵng, nhiều bảng quảng cáo bị hư hỏng nặng. Nhiều chuyến bay đi và đến Đà Nẵng đã bị hủy chuyến ngày 14/9. Sáng 15/9, hàng trăm hành khách đã bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Đà Nẵng...
Cùng với đó, hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của đới gió Đông đã gây mưa to đến rất to ở nhiều khu vực.
Như vậy, không phải bão "chỉ làm mát cho các tỉnh phía Nam" như ông Huỳnh nêu ra, mà cơn bão số 3 này đã gây ra thiệt hại không nhỏ cho các địa phương nó đi qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Ngọc Huỳnh cho rằng, đây là cơn bão gần và ngay sát đất liền nên việc ông làm được như vậy đã là "không tưởng".
Ông Huỳnh cũng khẳng định, tất cả những nội dung ông viết từ ngày 12/9 về dự báo đến khi cơn bão hình thành được cập nhật trên trang cá nhân ngày 14/9 là đúng.
Còn đồ hình mà ông đưa ra không phải là hình ảnh thật mà chỉ là hình minh họa cho cách làm, phương pháp "thần bí" mà ông sử dụng và đây không phải là khoa học kiểu vật lý hay hoá học mà đòi hỏi độ chính xác.
Cùng với đó, ông Huỳnh cũng cho biết, sẽ tiếp tục làm và công khai trên facebook của mình.
"Tính 10 lần mà làm đúng 7 lần đã là việc không ngờ", ông Huỳnh trả lời.
Ông Huỳnh cũng đề nghị, hãy chờ những lần tiếp theo còn hiện mới một lần dự báo bão nên chưa thể nói nhiều được.
Cần theo dõi thêm
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, với tuyên bố trên thì ông Huỳnh không đặt vấn đề đuổi, hay thay đổi đường đi, hoặc giảm cường độ của bão số 3.
Theo ông Tuấn Anh, chưa thể kiểm chứng được phương pháp riêng của ông Huỳnh.
Bởi, về mặt lý thuyết thì chưa xác định được từ các yếu tố nào của Dịch học và thuyết Âm Dương ngũ hành để liên hệ đến phương pháp tác động đến bão của ông Huỳnh.
Nhưng đây là một phương pháp ứng dụng có hiệu quả cụ thể có thể kiểm chứng bằng thực tế trực quan.
Đó là xác định trước thực trạng của thời tiết bằng "phương pháp riêng phi phổ biến".
"Vậy thì dù ông Huỳnh có đúng hay sai, cũng chưa thể chỉ bằng một lần là kết luận được.
Ngay cả trường hợp cụ thể với cơn bão này, giáo sư Huỳnh bị coi là sai, thì cũng chưa thể kết luận là ông Huỳnh không có khả năng.
Hoặc trường hợp này được coi là đúng thì cũng chỉ ghi nhận vậy. Chúng ta cần chờ đợi ít nhất vài lần nữa, mới kết luận được hiệu quả của phương pháp này", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nguồn: SoHa News
0 comments:
Đăng nhận xét